10 sự kiện thế giới 2008


Mỹ có tổng thống da màu đầu tiên
Bốn thập kỷ sau khi mục sư da màu Martin Luther King bị ám sát vì tranh đấu nhằm xóa bỏ nạn kỳ thị chủng tộc, nước Mỹ đã bầu một người gốc Phi làm lãnh đạo. Với vốn liếng chính trị chỉ hai năm làm thượng nghị sĩ bang Illinois, Barack Obama vụt sáng để vượt qua Hillary Clinton trong cuộc đua khốc liệt trở thành ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, sau đó đánh bại đối thủ phe Cộng hòa John McCain trong cuộc bầu cử tốn kém chưa từng có trong lịch sử Mỹ.
Chiến thắng áp đảo bằng khẩu hiệu "Thay đổi" của Obama khiến cả thế giới hoan hỉ. Tiệc mừng tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ mở ra khắp nơi từ châu Phi tới châu Âu, châu Á, hứa hẹn một nước Mỹ hoàn toàn khác dưới thời lãnh đạo mới. Nó cũng trở thành nguồn cảm hứng cho hàng triệu người da màu trên khắp hành tinh.
Nhưng nhiệm kỳ của Obama chứa đầy thách thức khi ông thừa kế hai cuộc chiến còn dang dở ở Iraq, Afghanistan và nền kinh tế đang lâm vào khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ thời Đại suy thoái trước Thế chiến II. Bên cạnh đó, Obama còn có trọng trách lấy lại hình ảnh của Mỹ trên trường quốc tế, vốn bị suy giảm nhiều trong hai nhiệm kỳ của George Bush.

Cuộc chiến Nga và Gruzia
Đầu tháng 8, Gruzia bất ngờ huy động tổng lực tập kích tái chiếm tỉnh ly khai Nam Ossetia, nơi có đa số người dân mang quốc tịch Nga. Đây được ví như hành động cả gan của Tbilisi dám đấm vào mũi gấu khi chưa trói chặt nó. Nga lập tức điều quân phản công, nhanh chóng đẩy lui lực lượng Gruzia và thừa thế tiến sâu vào lãnh thổ nước láng giềng. Cuộc chiến không cân sức kéo dài vỏn vẹn 5 ngày, gây ra thiệt hại kinh tế trầm trọng cho Gruzia, và quân đội nước này gần như bị đập tan.
Ngay sau đó, Nga cắt đứt quan hệ với Gruzia và tuyên bố công nhận nền độc lập của hai tỉnh ly khai nước này là Nam Ossetia và Abkhazia, khiến hy vọng tái nhập của Tbilisi càng thêm vô vọng. Cuộc xung đột còn làm tình hình khu vực và quan hệ giữa Nga với phương Tây leo thang căng thẳng. Phương Tây cáo buộc hành động quân sự mạnh tay của Matxcơva là bất hợp pháp và những tranh cãi về vấn đề này vẫn chưa đi đến hồi kết. Bằng cuộc chiến với Gruzia, Nga còn khiến NATO không thể thực hiện kế hoạch Đông tiến đúng như dự kiến.

Thay đổi lãnh đạo trên chính trường Nga
Kết quả bầu cử tổng thống Nga đầu tháng 3 không có bất ngờ nhưng vẫn được cả thế giới chờ đợi, bởi vì chính sách lãnh đạo mới của một nước Nga đang mạnh lên sẽ ảnh hưởng đến toàn cầu. Trước khi Dmitry Medvedev và Vladimir Putin đổi vai trò cho nhau, giới quan sát phương Tây lo ngại rằng Medvedev sẽ chỉ là cái bóng thực thi những gì Putin đề ra.
Tuy nhiên thực tế chứng tỏ không phải như vậy. Tân tổng thống dù không có những lời lẽ cứng rắn như Putin, đã kiên định thực hiện những chiến lược nhằm đưa nước Nga trở lại vị thế cường quốc. Hình ảnh một tổng thống mạnh mẽ được thể hiện qua những quyết định cứng rắn trong cuộc chiến với Gruzia. Medvedev cũng ghi dấu ấn bằng chuyến công du lịch sử tới Nam Mỹ trong tháng 11, trùng thời điểm đội tàu đặc nhiệm gồm tuần dương hạm hạt nhân Peter Đại đế của Nga tới Venezuela tập trận, và có chuyến thăm Cuba lần đầu tiên kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Matxcơva còn đưa hai máy bay ném bom chiến lược tới thăm Nam Mỹ, động thái cho thấy Nga đang trở lại khu vực vốn thuộc vùng ảnh hưởng của người Mỹ.
Dưới thời Medvedev, nước Nga được đảm bảo sẽ tiếp nối mạch phát triển ổn định 8 năm qua và hướng tới trở thành một đối trọng thực sự, để thế giới không rơi vào thế đơn cực như những năm đầu sau khi Liên Xô sụp đổ.

Thiên tai tàn khốc tại châu Á
Tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc hứng chịu trận động đất mạnh 7,9 độ Richter chiều 12/5, gây nên thảm họa kinh hoàng nhất trong hơn hai thập kỷ ở nước này. Nhiều thành phố và thị trấn vốn đông đúc gần như bị xóa sổ, những công trình xây dựng san sát phút chốc trở thành bình địa. Hơn 80.000 người thiệt mạng và 5 triệu người mất nhà cửa, cùng thiệt hại vật chất nhiều tỷ USD.
Trước đó ít ngày, một thảm họa thiên nhiên đẫm máu khác, cơn bão Nargis, cũng đánh vào Myanmar làm tan hoang cả một vùng đồng bằng rộng lớn, làm chết hơn 100.000 người, đẩy 2,4 triệu người lâm vào cảnh không nhà cửa và lương thực.
Trong khi Trung Quốc với tiềm lực kinh tế mạnh đã phản ứng nhanh và hiệu quả trước thảm họa, đồng thời sẵn sàng đón nhận sự giúp đỡ từ bên ngoài, thì một Myanmar còn nhiều khó khăn lại dè dặt với trợ giúp quốc tế, càng đẩy các nạn nhân vào cảnh khốn cùng.

Khủng hoảng chính trị tại Thái Lan
Làn sóng bất ổn chính trị tại Thái Lan được châm ngòi từ sự kiện Thaksin bị lật đổ năm 2006 và lên tới đỉnh điểm trong năm nay với các cuộc tuần hành triền miên do Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) lãnh đạo, khiến nhiều đời thủ tướng lần lượt ra đi chỉ trong vài tháng.
Sự kiện mang tính biểu tượng cho một Thái Lan hỗn loạn về chính trị là khi biển người ủng hộ PAD tràn vào hai sân bay chính ở Bangkok hôm 25/11, làm toàn bộ hoạt động hàng không ở trạm trung chuyển của châu Á này tê liệt suốt hơn một tuần. Việc hàng trăm nghìn du khách quốc tế bị mắc kẹt và các nước hối hả đưa máy bay đến di tản công dân mình khỏi Bangkok đã hủy hoại hình ảnh một Thái Lan nổi tiếng là thiên đường du lịch.
Đảng Dân chủ đối lập đã lên nắm quyền sau giai đoạn nước này nằm dưới sự lãnh đạo của phe thân Thaksin, căn nguyên của những bất ổn triền miên do phong trào phản đối của PAD gây ra. Tuy nhiên viễn cảnh hòa hợp và ổn định của Thái Lan vẫn còn xa vời bởi lực lượng ủng hộ Thaksin vẫn còn rất lớn và chưa có ý định bỏ cuộc. Bằng chứng là trong những ngày cuối năm, phe áo đỏ ủng hộ Thaksin đã bao vây tòa nhà quốc hội để ngăn cản tân Thủ tướng Abhisit Vejjajiva công bố các chính sách của chính quyền mới.

Khủng bố đẫm máu tại Mumbai, Ấn Độ
Tấn công hàng loạt hôm 27/11 và kéo dài trong vài ngày tại thành phố Mumbai, trung tâm tài chính của Ấn Độ, được ví như sự kiện 11/9 của quốc gia đông dân thứ hai thế giới này. Vụ khủng bố của các chiến binh Hồi giáo được cho là từ Pakistan đến bằng đường biển đã cướp đi sinh mạng 195 người, đẩy mối quan hệ vốn luôn căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng lên cao.
Những cáo buộc qua lại nặng nề khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về nguy cơ nổ ra chiến tranh giữa hai nước Nam Á đều sở hữu vũ khí hạt nhân. Islamabad liên tục khẳng định vô can và phải viện tới sự trợ giúp của những đồng minh lớn như Mỹ và Anh để dàn xếp với nước láng giềng khổng lồ đang nổi nóng. Sự kiện này cho thấy bất đồng mang tính lịch sử giữa Ấn Độ và Pakistan, đặc biệt là tranh chấp tại Kashmir, vẫn còn rất lớn và có thể thổi bùng nguy cơ chiến tranh bất kỳ lúc nào.

Israel tấn công dữ dội vào Dải Gaza
Ngày cuối tuần 27/12, không quân Israel bất ngờ oanh tạc các mục tiêu của nhóm chiến binh Palestine Hamas trên Dải Gaza. Chiến dịch quy mô lớn kéo dài và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Tính đến ngày cuối cùng của năm 2008, đã có hơn 360 người Palestine thiệt mạng và đây là con số thương vong lớn nhất tại Dải Gaza kể từ khi Israel chiếm đóng năm 1967. Trong khi đó, Hamas chỉ đáp trả yếu ớt bằng tên lửa tự tạo vào các thành phố vùng biên của Israel.
Đòn đẫm máu của quân đội Do Thái thể hiện quyết tâm của ban lãnh đạo nước này trong việc "nhổ tận gốc" Hamas nhằm chấm dứt các đợt nã rocket của nhóm chiến binh Hồi giáo. Liên Hợp Quốc kêu gọi Israel ngừng bắn nhưng công nhận họ có quyền tự vệ trước các vụ tấn công bằng rocket của chiến binh Palestine. Tổng thống đắc cử của Mỹ gần như im lặng trước diễn biến khốc liệt tại Gaza, báo hiệu thế giới Ảrập sẽ không thể trông chờ nhiều vào chính sách hoàn toàn thay đổi của Mỹ đối với khu vực Trung Đông trong năm tới. Dải Gaza sẽ vẫn là điểm nóng của thế giới.

Cướp biển Somalia hoành hành
Hải tặc Somali di chuyển bằng xuồng cao tốc sau khi chiếm tàu chở xe tăng. Ảnh: Reuters.
Chưa năm nào vấn đề an ninh hàng hải thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế như năm nay. Khu vực ngoài khơi Somalia đang là tuyến đường biển nguy hiểm nhất thế giới sau các vụ cướp liên tiếp tại đây. Kể từ đầu năm, hải tặc đã chiếm 25 tàu đủ loại từ du thuyền sang trọng, tàu chở dầu khổng lồ cho đến tàu chở xe tăng. Hiện vẫn còn 14 tàu cùng hơn 240 thủy thủ nằm trong tay cướp biển.
Để chống lại sự hoành hành của nạn hải tặc được đánh giá là đang ở vào giai đoạn phục hưng và hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của Somalia, hàng loạt quốc gia như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Iran và các nước EU đã triển khai chiến hạm đến khu vực. Liên Hợp Quốc cũng thông qua nghị quyết cho phép các nước truy bắt hải tặc cả trên biển và đất liền Somalia, đánh dấu một chiến dịch quốc tế chống hải tặc có quy mô chưa từng có. Tuy vậy, các vụ cướp biển vẫn xảy ra, báo hiệu một năm sắp tới còn nhiều việc phải làm cho lực lượng hải quân quốc tế trong vùng.

Vấn đề hạt nhân Iran và Triều Tiên diễn biến phức tạp
Iran năm qua tiếp tục hâm nóng bầu không khí chính trị thế giới bằng phát triển chương trình hạt nhân bất chấp sức ép, đặc biệt là từ Mỹ và Israel, những nước tuyên bố không loại trừ khả năng dùng biện pháp quân sự giải quyết khủng hoảng. Căng thẳng lên cao hồi trung tuần tháng 7 khi máy bay Israel tập trận quy mô, dẫn đến phỏng đoán nước này chuẩn bị tấn công Iran. Tehran đáp trả bằng cách liên tục phô trương sức mạnh quân sự và dọa sẽ hủy diệt kẻ tấn công.
Trong khi đó, vấn đề hạt nhân tại Triều Tiên từng dịu đi hồi đầu năm khi nước này cam kết tuân thủ thỏa thuận về giải trừ vũ khí nguyên tử. Sự kiện mang tính biểu tượng của chính sách này là việc Bình Nhưỡng phá hủy tháp làm lạnh hạt nhân ở khu phức hợp Yongbyon. Nhưng ngay sau đó, Bình Nhưỡng lại tuyên bố tái khởi động cơ sở hạt nhân chính và cấm cửa các thanh sát viên quốc tế.
Cuối năm, vấn đề Triều Tiên và Iran đều tạm lắng khi nước Mỹ bước vào kỳ bầu cử tổng thống và chọn ra nhà lãnh đạo mới Barack Obama. Chương trình hạt nhân ở cả hai nước sẽ vẫn là vấn đề nổi bật của thế giới trong năm tới, khi nước Mỹ có tổng thống mới thuộc đảng Dân chủ, hứa hẹn cách tiếp cận tình hình khác so với chính phủ thuộc đảng Cộng hòa.

Xung đột biên giới Thái Lan và Campuchia
Căng thẳng giữa hai nước âm ỉ ở biên giới từ nhiều thập kỷ nay và bùng lên bằng tranh chấp về quyền sở hữu ngôi đền cổ 900 tuổi Preah Vihear. Thùng thuốc súng đó được châm ngòi hồi tháng 7 sau khi UNESCO công nhận ngôi đền là di sản thế giới.
Thái Lan tăng quân tới biên giới, đồng thời triển khai cả phi cơ chiến đấu F-16 tuần tra. Campuchia cũng động binh đẩy hai quân đội vào thế đối đầu và binh sĩ luôn trong tư thế sẵn sàng bóp cò. Tới tháng 10, căng thẳng lên tới đỉnh điểm khi xảy ra giao tranh khiến 2 lính Campuchia thiệt mạng và 5 quân nhân Thái Lan bị thương. Phi cơ chiến đấu của Thái Lan trong tình trạng báo động, trong khi người dân vùng biên di tản tránh họa chiến tranh.
Quan chức hai nước buộc phải họp khẩn. Không có thỏa thuận chính thức nào được thông qua, nhưng ít nhất một cuộc chiến thực sự đã được tránh khỏi. Tuy tình hình đã tạm lắng dịu, chỉ cần bất kỳ một hành động thù địch nào của một trong hai bên cũng có thể châm ngòi cho cuộc xung đột mới ở biên giới Thái Lan và Campuchia.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến