Người đàn ông ung thư đạp xe 30.000 km
Bị ung thư, ông Derek Boocock (57 tuổi) vẫn miệt mài đạp xe qua 28 quốc gia để khám phá thế giới và truyền cảm hứng sống cho những người không may mắn.
Sau khi đạp xe qua hàng loạt nước châu Âu, châu Á, tháng 2 vừa qua, ông Dereck Boocock đã tới Việt Nam, đặt chân đến khắp các tỉnh miền Tây Bắc, thăm Điện Biên Phủ. Ông dự định dành 2 tháng để đạp xe xuyên Việt trên đường Hồ Chí Minh và mong muốn đến các bệnh viện chia sẻ kinh nghiệm sống với những bệnh nhân.
Từ năm 14 tuổi, cậu thiếu niên Derek Boocock (Vương quốc Anh) đã mang căn bệnh ung thư xương và phải trải qua 3 cuộc phẫu thuật, thay một đoạn xương. Khi đó, bác sĩ nói Derek chỉ có thể đi lại bằng nạng. Khi chân dần hồi phục, Derek đã tập đi. Sau hơn một năm, cậu tham gia cuộc đi bộ marathon của thành phố khiến nhiều người bất ngờ.
Gia đình nghèo nên đến năm 21 tuổi, Derek gia nhập quân đội Hoàng gia Anh với mong muốn được đi nhiều nước trên thế giới mà không mất chi phí. Quả thật, anh đã được đi khắp châu Âu, Mỹ, Canada trong thời gian 9 năm quân ngũ. Trong một lần huấn luyện, Derek bị ngã gãy bàn chân phải, vết thương khá nghiêm trọng khiến anh phải phẫu thuật.
Sau khi mổ, bác sĩ yêu cầu anh ra khỏi quân đội vì sức khỏe yếu, nhưng chỉ sau 3 tháng tập luyện Derek lại đủ sức tham gia một cuộc đi bộ marathon nên bác sĩ cho anh tiếp tục ở trong quân đội. "Khi mọi người nói rằng không thể làm được việc gì, tôi lại càng muốn chứng tỏ mình làm được", Derek tâm sự.
Ra khỏi quân đội, Derek trở thành người dạy kỹ năng sống cho trẻ em bằng những kinh nghiệm học được trong quân đội và từ việc rèn luyện thể thao, đạp xe hàng ngày. Năm 2005, Derek bất ngờ phát hiện bị ung thư tuyến tiền liệt khi 49 tuổi và lại phải hóa trị trong vòng một năm.
Đến năm 2007, căn bệnh tái phát và di căn lên phổi khiến ông phải xạ trị để ngăn bệnh. Cùng thời gian đó, người vợ yêu quý của ông, bà Caroline Boocock, bị ung thư vú. Bà phải điều trị dài ngày và qua đời vào năm 2009. "Lúc đó, tôi chìm sâu vào nỗi tuyệt vọng, nỗi đau về thể xác và tinh thần. Tôi đã có nhiều suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống khi nhìn thấy người thân ra đi", Derek chia sẻ.
Khi căn bệnh ung thư ngày càng nặng, tàn phá cơ thể và di căn lên não, Chính phủ không trả tiền chữa trị cho Derek nữa. Ông đành vay mượn, cầm cố nhà cửa để chi trả phí điều trị 21.000 bảng Anh. Năm 2012, căn bệnh ung thư tiền liệt, phổi tái phát, Derek không nói được, thị lực giảm, rụng răng... Derek từ chối điều trị bệnh vì cơ thể ông đã bị tàn phá nặng nề vì hóa trị.
"Bác sĩ cho biết tôi chỉ sống được thêm 12 đến 18 tháng nữa, ông hỏi tôi muốn làm gì và tôi trả lời là muốn đạp xe trên xa lộ Pamir ở Trung Á, đây là cung đường đẹp mà bất kỳ người đạp xe nào cũng muốn đến", Derek kể.
Chỉ có 3 tuần quyết định và chuẩn bị cho chuyến đi, Derek Boocock bán nhà, ôtô để trả nợ, đồ dùng trong gia đình được ông chuyển đến quỹ từ thiện. Ông chỉ còn 5.000 bảng để trang trải cho chuyến đi dự định trong 2 năm. Ông mua một chiếc xe đạp thể thao giá 1.000 bảng và mang theo hành lý nặng khoảng 70 kg với đủ đồ dùng nấu nướng, quần áo, lều trại... Hai con trai của ông đang sống ở Anh và Mỹ rất lo lắng cho hành trình của bố nhưng cũng không ngăn cản vì mong cha thực hiện được ước mơ của mình.
Khởi hành từ tháng 11/2012, người đàn ông đạp xe xuyên qua Pháp, Tây Ban Nha, Ma-rốc, miền tây Sahara, Mauritania, Senegal. Ở Senegal, Derek bị cướp hết hành lý, hộ chiếu và tiền, ông phải trở về Anh làm lại hộ chiếu. Bắt đầu lại hành trình ở London vào ngày 30/3/2013, Derek đạp xe qua các nước châu Âu như Bỉ, Pháp, Luxembourg, Đức, Thụy Sĩ, Liechtenstein, Áo, Hungary, Slovakia, Rumani, Bulgaria, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ đây, ông đạp xe đến châu Á qua Gruzia, Azerbaijan, Armenia, Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan. Tại Kyrgyzstan, ông thỏa ý nguyện được đạp xe trên xa lộ Pamir. Sau đó, ông đi máy bay đến Trung Quốc, đạp xe từ phía bắc đến phía nam Trung Quốc đại lục và sang Việt Nam. Đến nay, ông đã đạp xe qua quãng đường dài khoảng 30.000 km.
Derek kể, trên hành trình của mình, ông đã được thưởng ngoạn nhiều cảnh đẹp, gặp nhiều người thú vị ở nhiều quốc gia. Song ông cũng gặp không ít nguy hiểm như lần gặp cướp ở châu Phi hay khi ôtô đâm phải ở Kyrgyzstan khiến ông bị thương vào đầu còn chiếc xe đạp hỏng nặng. May mắn là ông được người thân của tài xế đưa về nhà chăm sóc đến khi bình phục, chủ hãng xe đạp cũng tài trợ một chiếc xe đạp mới để ông tiếp tục hành trình.
Derek từng phải đạp xe rất vất vả qua sa mạc Sahara không một bóng người trong 2 ngày, hay chịu đựng thời tiết lạnh -25 độ C tại Kyrgyzstan, nắng nóng ở Thổ Nhĩ Kỳ... Ông cũng có những trải nghiệm khó quên như được ở một mình trong lâu đài rất đẹp bỏ hoang ở thung lũng Ma-rốc.
Bệnh nặng song Dereck duy trì đạp xe tốc độ khoảng 100 km mỗi ngày trên đường bằng. Ông chi phí chỉ khoảng 5 USD một ngày cho ăn uống, thường xuyên cắm trại ngủ trên đường hoặc ngủ nhờ bạn bè trên khắp thế giới qua trang Couch Surfing. "Tôi thích đạp xe trên những ngọn núi cao vì muốn chinh phục thử thách và có thể nhìn phong cảnh rất đẹp bên dưới", người đàn ông tới từ nước Anh trải lòng.
Trong chặng đường ban đầu, Dereck không cho ai biết mình mắc bệnh hiểm nghèo. Sau đó gặp nhiều con người với hoàn cảnh khác nhau, một số người thiếu niềm tin vào cuộc sống nên ông quyết định chia sẻ câu chuyện của mình. Dereck lập trang web Derek's Bike Trip để chia sẻ trải nghiệm và tình yêu cuộc sống với những người ông gặp trên đường.
"Đừng tin vào những gì người khác nói, những khuyến cáo về các vùng đất nguy hiểm như các nước Trung Á hay cả Việt Nam. Tôi thấy những nơi đó rất yên bình, thoải mái. Hãy tin vào mình, tin tưởng là mình sẽ thành công", Dereck nói.
Dereck cho biết rất ấn tượng với người dân Việt Nam thân thiện, cởi mở. Khi đạp xe qua một gia đình người dân tộc ở Tây Bắc, Dereck ngỏ ý muốn cắm lều ngoài vườn, chủ nhà không cho ông ngủ bên ngoài và ra hiệu vào trong nhà ngủ, họ tiếp đãi ông ăn uống miễn phí.
Sau khi rời Việt Nam, ông dự kiến sẽ tiếp tục tới Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, rồi bay đến Canada, đạp xe tiếp đến Mỹ...
"Bạn nhìn thấy khó khăn và hay than phiền, bạn hãy nghĩ là thế giới rất đẹp, hãy sống với nó đến hơi thở cuối cùng", Dereck cho biết. Ông rất lạc quan và không bao giờ nghĩ đến cái chết. Ông vẫn mạnh khỏe và mong muốn tiếp tục hành trình của mình trong thời gian dài.
Biết thêm một người có tinh thần và nghị lực khi đối diên trước cái chết. " Cuộc đời có bao lâu mà hửng hờ"
Nhận xét
Đăng nhận xét